Skip to main content

Tuyên truyền phương thức, thủ đoạn tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự, an toàn xã hội năm 2024.

Tuyên truyền phương thức, thủ đoạn tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự, an toàn xã hội năm 2024.

Thời gian gần đây, sự phát triển nền kinh tế toàn cầu và sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, dẫn đến tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra phổ biến dưới nhiều hình thức với nhiều phương pháp, thủ đoạn hết sức tinh vi gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Chiều ngày 22/8/2024, được sự thống nhất của Thường trực Đảng uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND xã, Ban lãnh đạo Công an thị xã Tịnh Biên. Ủy ban nhân dân xã Văn Giáo phối hợp Phòng PA05 – Công an tỉnh An Giang tổ chức buổi tuyên truyền phương thức, thủ đoạn tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã Văn Giáo.

Đến dự buổi tuyên truyền có đại diện Ban Lãnh đạo Công an thị xã Tịnh Biên; đại diện Chỉ huy các đơn vị: Đội Tham mưu Tổng hợp; Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế và ma tý; Đội An ninh (thuộc Công an thị xã Tịnh Biên); Lãnh đạo Đảng ủy – Hội đồng nhân dân- Ủy ban nhân dân xã Văn Giáo; toàn thể cán bộ,công chức, viên chức, ban ngành đoàn thể, 04 ấp và 40 hộ dân cùng tham dự.

Ở nước ta, thời gian gần đây, tình hình tội phạm công nghệ cao diễn biến khá phức tạp với nhiều hình thức ngày càng tinh vi hơn, số lượng vụ bị lừa đảo ngày càng tăng cao, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản và khiến người dân bức xúc, lo lắng. 

Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi

Thời gian qua, công tác tuyên truyền của các cơ quan chức năng về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mạng, trong đó tội phạm mạng liên quan đến ngân hàng liên tục được thực hiện nhưng một bộ phận người dân vẫn thiếu cảnh giác, dễ dàng “sập bẫy”  đối tượng lừa đảo.

Để không là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, Công an tỉnh An Giang thông báo đến người dân một số thủ đoạn mà tội phạm công nghệ cao thường sử dụng để biết, cảnh giác và tuyên truyền, nhắc nhở người thân chủ động phòng tránh.

             Thủ đoạn thứ 1: Các đối tượng gọi điện thoại cho người dân, tự giới thiệu là cán bộ của các cơ quan nhà nước (cán bộ địa chính, văn phòng đăng ký đất đai, Cảnh sát khu vực...) yêu cầu người dân kê khai, bổ sung thông tin CCCD, tài khoản định danh điện tử... hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng, truy cập website giả mạo (tải thông qua các đường link do đối tượng gửi, các ứng dụng, website này có chức năng hoặc chứa mã độc có khả năng thu thập thông tin, chiếm quyền sử dụng thiết bị của người dùng), sau đó chiếm quyền sử dụng thiết bị, tài khoản ngân hàng của người bị hại và chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản đến các tài khoản khác để chiếm đoạt.

             Thủ đoạn thứ 2: Đối tượng tạo ra các ứng dụng, website cho vay tiền, quảng cáo trên mạng xã hội (Facebook, Zalo) với mục đích tìm người muốn vay tiền để thực hiện hành vi lừa đảo. Sau khi người muốn vay tiền tải ứng dụng về điện thoại; đăng nhập thông tin theo yêu cầu, thì hệ thống website gửi tin nhắn qua Facebook, Zalo trực tuyến tại bộ phận xét duyệt và thông báo nếu muốn vay tiền thì người vay phải đóng lãi số tiền vay trước thì mới được gửi mã mật khẩu để rút tiền. Sau khi người vay tiền chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng cung cấp thì hệ thống thông báo người chuyển tiền nhập sai số tài khoản nên bị đóng băng và yêu cầu người vay phải chuyển thêm tiền để kích hoạt lại tài khoản, số lần yêu cầu người vay tiền chuyển khoản thường không có giới hạn; toàn bộ số tiền người vay chuyển khoản vào tài khoản của các đối tượng chuẩn bị trước bị chiếm đoạt.

          Thủ đoạn thứ 3: Đối tượng đánh cắp quyền truy cập các tài khoản mạng xã hội, sử dụng mạo danh chủ tài khoản nhắn tin đề nghị chuyển hộ tiền, vay tiền hoặc mua thẻ cào điện thoại gửi cho chúng.

Ngoài ra, trong thời gian gần đây, nắm bắt được tâm lý người dân đã cảnh giác với chiêu trò lừa đảo (gọi điện thoại, tin nhắn cho bạn bè, người thân… nhờ chuyển tiền, vay tiền), các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn lừa đảo tinh vi hơn để vay tiền, yêu cầu chuyển tiền thông qua hình thức giả cuộc gọi video. Với thủ đoạn tìm kiếm thu thập thông tin cá nhân, mối quan hệ cá nhân được đăng tải công khai trên các tài khoản mạng xã hội…lấy những hình ảnh, video cũ của người dân. Sau đó, các đối tượng sử dụng công nghệ “Deepfake” (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo) để tạo ra các sản phẩm công nghệ giả dưới dạng âm thanh, hình ảnh, video. Từ đó, các đối tượng sử dụng hình ảnh, video giả đó gọi cuộc gọi “video call” để giả làm người thân vay tiền, giả làm con cái đang du học nước ngoài gọi điện cho bố mẹ nhờ chuyển tiền đóng học phí, giả tạo các tình huống khẩn cấp cần phải chuyển tiền gấp... Khi thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng sẽ phát lại video dưới hình thức mờ ảo, chập chờn như đang ở nơi sóng yếu làm cho người dân tin tưởng là thật và chuyển tiền cho đối tượng chiếm đoạt.

Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều hình thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Các lực lượng chức năng trong tỉnh đang tiếp tục quan tâm tuyên truyền, cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản để nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động tố giác tội phạm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả xảy ra. Tuy nhiên bên cạnh đó người dân cũng cần nâng cao kỹ năng sử dụng mạng; cảnh giác với những tin nhắn yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tuyệt đối không cung cấp số tài khoản ngân hàng, mã OTP, lời mời làm cộng tác viên kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, kinh doanh tiền ảo...

Tuyệt đối không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng của mình cho người khác, vì như vậy là hành vi tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật; trường hợp nghi vấn phải tham khảo ý kiến người thân trong gia đình, những người hiểu biết để được tư vấn hoặc liên hệ với lực lượng công an khu vực gần nhất để được hỗ trợ giải quyết.

Trong thời gian tới, để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao, mọi người dân cần tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng:

- Tuyệt đối không cung cấp mã OTP do ngân hàng gửi cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.

- Đối với các cá nhân có nhu cầu chuyển - nhận tiền từ nước ngoài về chỉ gửi nhận thông qua ngân hàng có uy tín, không sử dụng các dịch vụ chuyển, đổi tiền quốc tế của cá nhân không hợp pháp.

- Không công khai các thông tin cá nhân lên các trang mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng thủ đoạn lừa đảo

- Cảnh giác, không tin tưởng vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng mà yêu cầu nạp tiền thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng. Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người hứa hẹn cho, tặng số tiền lớn, những món quà đắt tiền.

- Đối với các tin nhắn qua mạng xã hội, qua điện thoại người quen, bạn bè nhờ mua thẻ cào điện thoại, nhờ chuyển tiền hộ cần gọi điện trực tiếp để xác nhận thông tin với người nhờ, không nói chuyện qua tin nhắn.

- Các cá nhân không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng của mình cho người khác, đặc biệt là những đối tượng không quen biết vì đã có nhiều trường hợp các đối tượng lợi dụng tài khoản ngân hàng (do mua, mượn, thuê được) để chiếm đoạt tài sản của người khác. Đây là hành vi trực tiếp tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Khi phát hiện đối tượng có hành vi mua, thuê người khác mở tài khoản ngân hàng cần báo cho cơ quan Công an phối hợp xử lý.

Qua đó, lực lượng chức năng ngành công an khuyến cáo, nếu không may trở thành nạn nhân của lừa đảo, người dân cần dừng ngay việc gửi tiền và chặn tất cả các liên lạc từ đối tượng tội phạm; liên hệ ngay với ngân hàng và tổ chức tài chính để báo cáo lừa đảo và yêu cầu dừng mọi giao dịch. Nạn nhân cũng cần thu thập và lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi lưu trú; đồng thời cảnh báo cho gia đình, bạn bè để họ có thể đề phòng những trò lừa đảo tiếp theo có thể xảy ra.

Trường hợp thông tin cá nhân (tên, số điện thoại, email, địa chỉ, giấy tờ tùy thân) đã bị rò rỉ, người dân cần báo cáo vi phạm dữ liệu cho các tổ chức tài chính; tạo mật khẩu mới mạnh hơn; chặn hoặc không trả lời bất kỳ ai mà mình không biết và không nhấp vào bất kỳ liên kết đáng nghi nào.

Theo dõi và cập nhật các thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại Cổng không gian mạng quốc gia (https://www.khonggianmang.vn) hoặc qua Fanpage của Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh An Giang (https://facebook.com/AnninhmangAG/). Số điện thoại: 0693.640.050.       

 Đài TT xã Văn Giáo