Skip to main content

Quy chế hoạt động của Ban tổ chức thực hiện Quy chế Dân chủ xã Văn Giáo

QUY CHẾ

hoạt động của Ban Tổ chức thực hiện quy chế dân chủ xã Văn  Giáo, giai đoạn 2024 - 2025

(Kèm theo Quyết định số 122-QĐ/ĐU, ngày 29/02/2024 của BTV Đảng ủy)

-----

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế dân chủ ở cơ sở (viết tắt QCDCƠCS) là thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước, nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, khơi dậy nội lực trong Nhân dân cả về tinh thần và vật chất, được các tầng lớp Nhân dân đồng tình ủng hộ. Việc công khai hóa các thủ tục hành chính, các loại phí, lệ phí; tăng cường xuống cơ sở để trực tiếp nghe ý kiến Nhân dân, đối thoại, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc; là cơ sở để củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân,... Thái độ và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo hướng gần dân, tôn trọng dân và có trách nhiệm với Nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh; triển khai và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Điều 2. Quy chế này quy định cơ cấu tổ chức bộ máy, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác và chế độ làm việc của Ban Tổ chức thực hiện quy chế dân chủ xã Văn Giáo.

Chương II

CƠ CẤU TỔ CHỨC, TRÁCH NHIỆM, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

Điều 3. Cơ cấu tổ chức bộ máy

Ban Tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở xã Văn Giáo (gọi tắt là Ban Tổ chức), gồm: 01 Trưởng Ban, 03 Phó Trưởng Ban và các thành viên.

Điều 4. Phân công trách nhiệm

1. Trưởng Ban là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, Trưởng Khối Dân vận: Phụ trách chung, chủ trì các cuộc họp và công việc của Ban Tổ chức. Đề xuất những nội dung cho Đảng ủy chỉ đạo việc thực hiện QCDCƠCS, kiện toàn thành viên Ban Tổ chức, ... tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị và các văn bản hướng dẫn của cấp trên.

Ban hành chương trình công tác, kế hoạch hoạt động của Ban Tổ chức, phân công công việc cho các thành viên thực hiện nhiệm vụ, theo dõi, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện QCDCƠCS trên địa bàn xã và báo cáo kết quả theo quy định hoặc báo cáo đột xuất (khi có yêu cầu).

2. Phó Trưởng Ban trực là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam: Giúp Trưởng Ban giải quyết công việc QCDCƠCS và một số công việc khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao và của cơ quan. Hàng năm, xây dựng chương trình công tác, kế hoạch chuẩn bị các cuộc họp định kỳ cho Trưởng Ban.

Thay mặt Trưởng Ban khi đi vắng, chủ trì một số cuộc họp và ký các văn bản của Ban Tổ chức khi được Trưởng Ban ủy nhiệm.

Giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa Ban Tổ chức với các thành viên, các Chi bộ, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị liên quan để phục vụ công tác nắm tình hình, theo dõi, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện QCDCƠCS trên địa bàn xã và báo cáo kết quả theo quy định hoặc báo cáo đột xuất (khi có yêu cầu).

3. Phó Trưởng Ban là Phó Chủ tịch HĐND và Phó Chủ tịch UBND xã: Giúp Trưởng Ban giải quyết công việc QCDCƠCS và một số công việc khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao và của cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo, rà soát, bổ sung, điều chỉnh và xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở.

Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Điều 4, 5 của Quy chế này.

Thay mặt Trưởng Ban khi đi vắng, chủ trì một số cuộc họp và ký các văn bản của Ban Tổ chức khi được Trưởng ban ủy nhiệm.

Giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa Ban Tổ chức với các thành viên, các Chi bộ, chính quyền và các đoàn thể chính trị -xã hội cơ quan, đơn vị có liên quan để phục vụ công tác nắm tình hình, theo dõi, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện QCDCƠCS trên địa bàn xã và báo cáo kết quả theo quy định hoặc báo cáo đột xuất (khi có yêu cầu).

4. Các thành viên: Có trách nhiệm tham gia xây dựng nội dung, chương trình công tác, kế hoạch hoạt động để thực hiện QCDCƠCS của cơ quan mình phụ trách. Theo dõi, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn xã và tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban Tổ chức.

Trực tiếp phụ trách cơ quan mà bản thân mình là người đang phụ trách, sinh hoạt, thực hiện chức trách nhiệm vụ được phân công theo dõi, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện chương trình công tác, kế hoạch hoạt động và thông tin kịp thời những phản ánh, dư luận bức xúc của người dân, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định hoặc báo cáo đột xuất (khi có yêu cầu).

5. Cán bộ Văn phòng Đảng ủy (kiêm nhiệm Khối Dân vận và Thư ký): Thực hiện nhiệm vụ do Trưởng ban phân công, tham mưu, giúp việc cho Trưởng Ban xây dựng chương trình công tác, kế hoạch hoạt động hàng năm và theo dõi, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện QCDCƠCS, tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định (tuần, tháng, quý, 6 tháng, năm với Đảng ủy và Ban Chỉ đạo thị xã, Ban Dân vận Thị ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã) đúng theo quy định. 

Điều 5. Chức năng 

Ban Tổ chức là cơ quan tham mưu cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Đảng ủy (gọi tắt là Đảng ủy) lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn của cấp ủy cấp trên về QCDCƠCS.

Điều 6. Nhiệm vụ

1. Ban Tổ chức và các thành viên phối hợp tham mưu giúp Đảng ủy tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, các văn bản hướng dẫn của Đảng về thực hiện QCDCƠCS, kiểm tra, giám sát tình hình; phản ánh diễn biến tư tưởng, nguyện vọng của quần chúng Nhân dân; thực hiện chế độ báo cáo sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị và các giải pháp thực hiện QCDCƠCS của Đảng trong hệ thống chính trị với Đảng ủy và cấp trên.

2. Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp thống nhất các hoạt động với các tổ chức chính trị-xã hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới các tầng lớp Nhân dân; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong quần chúng Nhân dân và phong trào “Dân vận khéo”, hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; tham gia đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh; đề xuất, kiến nghị với Đảng ủy xử lý những vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện QCDCƠCS của Đảng trong hệ thống chính trị.

3. Các thành viên và các tổ chức chính trị-xã hội luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ các hoạt động của Ban Tổ chức, theo dõi tình hình hoạt động của cơ quan mình và quần chúng Nhân dân trên địa bàn. Qua đó, đề xuất với Đảng ủy tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; biểu dương, khen thưởng kịp thời “Người tốt, việc tốt”, khắc phục những hạn chế, có kế hoạch củng cố bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng cán bộ trong Ban Tổ chức.

4. Duy trì nề nếp chế độ giao ban hàng tháng, quý, năm (kết hợp với cuộc họp của Khối Dân vận Đảng ủy) để tổng hợp kết quả thực hiện QCDCƠCS, các phong trào phát động đầu năm; thống nhất đề xuất, kiến nghị với Đảng ủy và chính quyền xử lý những vướng mắt trong công tác thực hiện QCDCƠCS của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị -xã hội ở cơ sở.

5. Thực hiện chế thông tin, báo cáo kịp thời theo quy định hoặc báo cáo đột xuất (khi có yêu cầu) về Đảng ủy và Ban Chỉ đạo thị xã, Ban Dân vận Thị ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã.

Chương III

MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 7. Đối với Ban Chỉ đạo thị xã, Ban Dân vận thị uỷ, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Tịnh Biên

Chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về chuyên môn, nghiệp vụ; báo cáo kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của Đảng theo quy định. Đối với những nội dung cần thiết và vượt thẩm quyền, Ban Tổ chức xin ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thị xã, Ban Dân vận thị uỷ, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Tịnh Biên

Điều 8. Đối với Đảng ủy

Chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Đảng ủy; bám sát nghị quyết của Đảng ủy để xây dựng chương trình công tác, kế hoạch hành động của Ban Tổ chức; báo cáo kịp thời kết quả hoạt động của Ban Tổ chức với Đảng ủy theo quy định; xin ý kiến và đề xuất các vấn đề thuộc trách nhiệm, nhiệm vụ được giao về thực hiện QCDCƠCS và hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội và các ấp.

Điều 9. Đối với chính quyền

1. Phối hợp công việc, tạo điều kiện giúp đỡ nhau để hoàn thành nhiệm vụ thực hiện QCDCƠCS trong hệ thống chính trị. Bàn, thảo luận, ý kiến đối với các chủ trương và quyết định về thực hiện chính sách, chế độ liên quan đến quần chúng Nhân dân, công khai, minh bạch các nội dung theo quy định của pháp luật. Đề nghị xem xét giải quyết những phản ánh, kiến nghị chính đáng hoặc các vấn đề dư luận bức xúc của Nhân dân đúng quy định của pháp luật. 

2. Phối với với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân xã Văn Giáo (gọi tắt là HĐND và UBND) kiểm tra tình hình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, các văn bản hướng dẫn có liên quan về thực hiện QCDCƠCS trong hệ thống chính trị.

3. Tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến cho việc hoàn thiện thể chế pháp luật, chế độ, chính sách của chính quyền có liên quan đến thực hiện QCDCƠCS  trong hệ thống chính.

Điều 10. Đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội

1. Phối hợp tham mưu cho Đảng ủy bàn và quyết định những vấn đề quan trọng đến thực hiện QCDCƠCS trong hệ thống chính trị; xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy cấp trên, các văn bản hướng dẫn có liên quan và của Đảng ủy về thực hiện QCDCƠCS, công tác vận động quần chúng, các phong trào đã phát động thi đua; theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDCƠCS theo Quyết định 217-QĐ-/TW “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội” và Quyết định 218-QĐ-/TW “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện QCDCƠCS theo quy định. 

2. Hàng tháng tổ chức giao ban để nắm tình hình, dư luận xã hội trong quần chúng Nhân dân về thực hiện QCDCƠCS. Thống nhất các nội dung công khai, minh bạch, phương pháp vận động quần chúng Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy cấp trên, các văn bản hướng dẫn có liên quan của Đảng ủy.

3. Tham dự các cuộc họp của Ban Tổ chức, Đảng ủy, chính quyền và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo hai chiều trong Ban Tổ chức để có kế hoạch phối hợp nhịp nhàng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Điều 11. Đối với lực lượng Công an và Ban Chỉ huy Quân sự

Phối hợp và làm tốt công tác vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm trật tự - an toàn xã hội, an toàn giao thông, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng - an ninh ở địa phương.

 

Chương IV

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

Điều 12. Nguyên tắc làm việc

1. Ban Tổ chức làm việc theo nguyên tắc tập thể, thảo luận, quyết định theo đa số, các vấn đề chương trình, kế hoạch công tác, các báo cáo, đề án, đề xuất, kiến nghị về công tác nhân sự. Ngoài các vấn đề nêu trên, Trưởng ban quyết định theo chế độ người đứng đầu chịu trách nhiệm.

2. Trưởng ban triệu tập cuộc họp bất thường để kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện của Đảng trong hệ thống chính trị, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề ra phương hướng khắc phục, thực hiện các giải pháp đồng bộ, có hiệu quả tại địa phương.

Điều 13. Chế độ làm việc

1. Căn cứ vào nhiệm vụ, nghị quyết, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo thị xã, Ban Dân vận thị uỷ, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Tịnh Biên, Đảng ủy. Ban Tô chức xây dựng chương trình công tác, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ theo tháng, 06 tháng, năm về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong hệ thống chính trị.

2. Thường trực ban và các thành viên, định kỳ hàng tháng, quý, 06 tháng, năm báo cáo kết quả thực hiện QCDCƠCS theo quy định hoặc báo cáo đột xuất (khi có yêu cầu) về Ban Chỉ đạo thị xã, Ban Dân vận thị uỷ, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Tịnh Biên và Ban Thường vụ Đảng ủy.

3. Định kỳ ba tháng họp Ban Tổ chức một lần (gọi tắt là quý/lần) hoặc đột xuất (khi có yêu cầu của Trưởng ban) để kiểm tra, đánh giá hiệu quả của công việc. Định hướng, triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.

4. Nội dung cuộc họp được Trưởng ban thông báo trước cho các thành viên.

5. Ban Tổ chức được sử dụng con dấu của Đảng ủy.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14.

1. Quy chế này được Đảng ủy ban hành và có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quy chế số 01-QC/BTC, ngày 06/01/2023 của Ban Tổ chức.

2. Căn cứ vào nội dung Quy chế này, thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Ban Tổ chức theo chức năng, nhiệm vụ được giao. 

3. Trưởng ban, Văn phòng Đảng uỷ, các thành viên và các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quy chế này.

Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có khó khăn, vướng mắc, báo cáo kịp thời về Ban Thường vụ Đảng ủy (thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam và Văn phòng Đảng ủy). Ban Thường vụ Đảng ủy căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ thực tế xem xét, bổ sung đảm bảo việc thực hiện QCDCƠCS đạt kết quả tốt tại địa phương./.